1. Phun xăm thẩm mỹ là gì?
Phun xăm thẩm mỹ là phương pháp hiện đại giúp chỉnh đều và khắc phục khuyết điểm màu môi, mí, mắt, lông mày hiệu quả. Với kỹ thuật này các chuyên viên sẽ dùng kim thẩm mỹ chuyên dụng đã được vô trùng và khử khuẩn để đưa lượng chất tạo màu xăm vào dưới vùng da, từ đó giúp tạo khung lông mày đẹp tự nhiên, làm đầy đường viền mí mắt, cải thiện sắc tố môi hay là phun xăm màu da che đi vết sẹo. Sau khi thực hiện phun xăm thẩm mỹ thì những tình trạng như môi bị xỉn màu, bị thâm, lông mày mờ, mọc không cân đối, mí mắt tối sẽ được khắc phục hiệu quả.
2. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ
Nếu bạn muốn kinh doanh ngành nghề phun xăm thẩm mỹ, bạn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 37 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, về cơ sở vật chất: Có địa điểm cố định; Bảo đảm các điều kiện vệ sinh.
- Thứ hai, về thiết bị: Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Thứ ba, về nhân sự: Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định nêu trên gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại phụ lục VIII Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Giấy phép kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ
Từ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ, chúng ta kết luận rằng ngành nghề này chia làm hai loại: không cần giấy phép kinh doanh và phải có giấy phép kinh doanh.
Trường hợp thứ nhất: cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần có giấy phép hoạt động kinh doanh. Cơ sở dịch vụ chỉ thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì không phải thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động nhưng phải thông báo đến Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày về việc đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự theo quy định.
Trường hợp thứ hai, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải có giấy phép hoạt động kinh doanh. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; Hoặc: xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì đều phải xin giấy phép hoạt động. Đây là các dịch vụ xâm lấn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tính mạng con người nên cần phải thực hiện tại các bệnh viện hoặc các chuyên khoa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Các địa điểm này đều được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ của bạn có phải xin giấy phép kinh doanh hay không còn phụ thuộc vào hoạt động phun, xăm, thêu cụ thể tại cơ sở đó có thuộc trường hợp phải có giấy phép hoạt động hay không.
4. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ được thực hiện như thế nào?
Để tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh, bạn cần xác định trước rằng cơ sở kinh doanh của bạn sẽ hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp.
4.1 Đối với hộ kinh doanh cá thể
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
+/ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, gồm các nội dung sau: Tên hộ kinh doanh; Địa chỉ địa điểm kinh doanh; Số điện thoại, số fax; Ngành, nghề kinh doanh; Số vốn kinh doanh; Số lao động sử dụng; Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh;
+/ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh;
+/ Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hộ kinh doanh cá thể sẽ nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Bước 3: Trả kết quả
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
4.2 Đối với thành lập doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
+/ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+/ Điều lệ doanh nghiệp
+/ Danh sách thành viên.
+/ Bản sao các giấy tờ sau đây: Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân/Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.
Lưu ý: Trong hồ sơ phải ghi đúng mã ngành phun xăm thẩm mỹ trong danh mục ngành nghề kinh doanh theo quy định mới nhất tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư.
Bước 3: Trả kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.
5. Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ
Trường hợp nếu cơ sở kinh doanh thẩm mỹ mà không thuộc loại hình có giấy phép hoạt động thì tiến hành việc kinh doanh thông thường kể từ ngày cơ sở được thành lập nhưng phải thông báo (bằng văn bản) về việc đủ điều kiện kinh doanh cho Sở Y tế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thành lập.
Đối với những cơ sở kinh doanh thẩm mỹ mà thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động thì phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động thì mới được tiến hành hoạt động kinh doanh. Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm các giấy tờ:
+/ Văn bản về việc đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo mẫu do Bộ Y tế ban hành, thể hiện ý chí của chủ thể khi tiến hành hoạt động kinh doanh cần yêu cầu giấy phép hoạt động.
+/ Danh sách những người hành nghề phun xăm thẩm mỹ, bản sao các giấy tờ chứng thực tư cách cá nhân của họ và bản sao các văn bằng, chứng chỉ hành nghề của những người đó.
+/ Danh sách kê khai các trang thiết bị, vật chất của cơ sở kinh doanh và các tài liệu, báo cáo chứng minh cơ sở đáp ứng đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đối chiếu xem có đủ điều kiện để tiến hành hoạt động kinh doanh ngành nghề phun xăm thẩm mỹ hay không.
+/ Các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác.
Đối với cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tư nhân hay các Bộ khác thì thẩm quyền cấp phép thuộc Cục quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; Đối với cơ sở kinh doanh phun xăm thẩm mỹ khác thì thẩm quyền cấp phép thuộc Sở Y tế, nơi cơ sở kinh doanh đặt trụ sở.